HƯƠNG VỊ CỦA SỰ BỀN VỮNG

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Nguồn gốc cây cà phê Arabica

Những ai đã từng thử qua cà phê Arabica chắc chắn không thể nào quên được vị chua thanh xen lẫn đắng dịu cùng với mùi thơm ngây ngất, tao nhã của loại cà phê này


Giống cà phê Arabica là loài thuộc họ Cà phê (Rubiaceae), chi Cà phê (Coffea). Ở Việt Nam người ta thường gọi Arabica là cà phê chè dựa theo đặc điểm cây thấp và có lá nhỏ giống cây chè của nó. Arabica thường được trồng ở vùng núi cao, ở độ cao từ 1000-1500 m. Arabica có nguồn gốc từ  vùng cao nguyên nhiệt đới Ethiopia và vùng Đông Phi. Còn ở Việt Nam, Arabica được trồng ở các huyện thuộc tỉnh Lâm đồng như Di Linh, Bảo Lộc, Đơn Dương, vùng ngoại ô Đà Lạt, đặc biệt là vùng Cầu Đất, được coi là thiên đường cà phê Arabica. Với khí hậu ôn đới mát quanh năm, nhiệt độ cực đại trong năm không vượt quá 33 độ, nhiệt độ cực tiểu 5 độ, Lâm Đồng đã trở thành vùng sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao nhất cả nước.

Cây cà phê Arabica trưởng thành có dạng bụi cây lớn, thẳng đứng, có thể cao từ 4-6 m, nếu để mọc hoang dã có thể cao đến 15 m. Cây có tán lớn, cành thon dài và đối xứng. Cuống ngắn, lá mọc đối xứng, màu xanh đậm,. Lá hình oval, rìa lá quăn và rũ xuống. Quả cà phê Arabica thuộc loại quả thịt, hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt. Khi chin, quả có màu đỏ tươi. Arabica có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê.

Các chủng cà phê thuộc dòng Arabica gồm có Bourbon, Typica, Mocha (moka). Đây là những chủng cà phê có lâu đời nhất trên trái đất. Tuy nhiên, các chủng cà phê này thường bị sâu bệnh, năng suất thấp, khó trồng. Vì thế, ở Việt Nam người ta chủ yếu trồng loại cà phê Catimor với đặc tính dễ sinh trưởng hơn và ít bị sâu bệnh.

Theo nhận xét của những người từng thưởng thức, Arabica có vị chua thanh xen lẫn với vị đắng nhẹ, màu nước nâu nhạt, trong trẻo Đặc biệt, Arabica có mùi hương rất thanh tao, quí phái. Đó là mùi của si-rô, mùi của hoa trái, hòa quyện với mùi của mật ong, và cà mùi bánh mì nướng, mùi của cánh đồng rơm buổi trưa hè…

Arabica đã thực sự chinh phục được những con người sành điệu ẩm thực nhất trên thế giới. Cà phê Arabica là nguyên liệu chính của các hãng cà phê, các thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất trên thế giới.
                               
                                                                                                                                                      Tác giả : CVCOFFEE

Cách phân biệt cà phê thật và cafe giả

Làm thế nào để biết cà phê bạn mua về thực sự là loại cà phê thật? Và làm sao để phân biết đâu là một sản phẩm cà phê nguyên chất, cà phê thật tốt cho sức khỏe?

Cà phê là một loại hạt rất đặc biệt, và khác biệt, có thể dễ dàng phân biệt cà phê nguyên chất và cà phê giả, bột cà phê thật với bột của các loại hạt ngũ cốc khác. Để bảo đảm cho sức khỏe và khẩu vị thưởng thức cà phê đích thực của chính bạn, bạn cần ghi nhớ vài chi tiết căn bản về thuộc tính của hạt cà phê rang rất khác với các loại hạt rang khác và bột của chúng


I.PHÂN BIỆT TRƯỚC KHI PHA (tức nhận biết bột cà phê nguyên chất)
1. Khối lượng (hoặc thể tích) của bột cà phê rang bao giờ cũng lớn hơn khối lượng (hoặc thể tích) của bột hạt đậu nành (đỗ tương) và bắp (ngô) rang

Hạt cà phê có một đặc điểm khác hẳn các loại hạt khác là khi rang lên đến 1 nhiệt độ nhất định sẽ nở lớn và thể tích tăng từ 1,5-2 lần và trọng lượng giảm từ 20-30%.

Cho nên, bột cà phê thật luôn luôn có khối lượng riêng thấp hơn bột các loại ngũ cốc khác và từ đó thể tích (hay khối lượng) của 1 kg bột cà phê luôn luôn lớn hơn thể tích của bột các loại ngũ cốc rang. Dựa vào đặc tính nầy bạn có thể phân biệt ngay từ lúc đầu, dù chưa cần phải mở bao bì ra. Nếu có điều kiện so sánh, bạn cầm trong tay trong 2 bịch 500g, bịch nào chứa cà phê, (hay chưa tỷ lệ bột cà phê nhiều) thì sẽ nhiều đầy hơn, to hơn, khối lượng bột chứa bên trong nhiều hơn nên chúng ta có cảm tưởng bịch cà phê nguyên chất nhẹ hơn.

2. Độ xốp của bột cà phê 
Nhìn theo cảm quan, bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp , tơi và rời. Bột của hạt ngũ cốc khác thường dính lại, ít tơi bong hơn. Nếu bạn có 1 bịch cà phê nguyên chất và một bịch cà phê giả, bạn mở 2 bịch ra, lấy 2 chén nước, múc 2 muỗng bột của 2 bịch đổ lên mặt nước. Bột cà phê nguyên chất xốp nhẹ, có khối lượng riêng thấp, nên có khuynh hướng nổi lên trên, còn bột của các hạt ngũ cốc khác có khối lượng riêng lớn hơn , nên chìm xuống nhanh hơn.

Ngoài ra, hạt cà phê rang rất giòn, có cấu trúc sợi cellulose đồng đều, dễ vỡ và vỡ đều trong cối xay, nên bột cà phê xay ra có độ xốp, mịn tương đối đồng đều. Trái lại các loại hạt đậu, bắp rang, khi xay bột độ mịn không đồng đều nên không có độ tơi xốp như bột cà phê nguyên chất.

3. Độ ẩm của bột cà phê
 Bột cà phê thật ít ngậm nước, đọ ẩm của hạt cà phê thật sau khi rang khá thấp. Bột các loại ngũ cốc khác thường giữ nước và có độ ẩm cao hơn. Hơn nữa, do hạt đậu và bắp không có mùi thơm, nên khi nhà sản xuất trộn các loại hạt này vào hạt cà phê chắc chắn sẽ làm 1 động tác kèm theo, đó là phun hóa chất, hương liệu cà phê tổng hợp, nhân tạo vào trước khi xay ra bột.

Do đó, bột cà phê pha tạp, không nguyên chất có vẻ ẩm ướt, thậm chí vón cục khi được tẩm nhiều caramen tạo màu, khác hẳn với bột cà phê thật rất khô và tơi xốp.

4. Màu của bột cà phê
 Khi rang đến nhiệt độ và thời gian thích hợp…bột cà phê có màu nâu đậm. (Nếu hạt cà phê rang chưa đến nhiệt độ và thời gian nổ lần 1 thì bột có màu vàng sáng vị chua, và mùi nồng). Hạt bắp rang để độn vào cà phê thường có màu đen đậm. Vì thế trong nghề làm cà phê người ta đơn giản gọi bắp rang là “màu”.

Do thói quen người tiêu dùng đòi hỏi ly cà phê phải có màu đen, nên “màu” (bên cạnh caramen và cả chất tạo màu hóa học) được dùng để nhuộm ly cà phê. Mặt khác, hạt các đậu nành rang và xay ra bột có màu nâu đậm đục, ngã vàng đục, hoàn toàn không giống màu nâu đậm của bột cà phê thật. Nếu bạn nhìn thấy bột trong 1 bịch chứa có màu nâu đậm ngả vàng, thể tích nhỏ, nhưng cầm nặng tay là tỷ lệ đậu nhiều. Bột có màu đen thui thể tích cũng nhỏ là có trộn nhiều bắp.

5. Mùi của bột cà phê 
Nếu quen thuộc, bạn không khó để nhận ra mùi thơm rất dễ chịu, hấp dẫn và rất đặc trưng của bột cà phê thật. Nhiều người vẫn bị lầm lẫn và đánh giá cao mùi của hương liệu hóa học được tẩm vào đậu, bắp bởi vì họ ít có dịp ngửi mùi cà phê bột nguyên chất. Bắp và đậu nàng cũng có mùi hơi tanh, theo cảm quan, nếu tinh tế một chút, bạn có thể nhận thấy khi ngửi. Bột đậu nành có mùi gắt, hòa quyện với hương liệu bốc lên một mùi thơm nặng nề chứ không dịu dàng như mùi nguyên thủy của cà phê rang.

II. PHÂN BIỆT KHI ĐANG PHA (nhận biết trạng thái của bột cà phê thật khi gặp nước sôi)
Đây là điểm mà bạn rất dễ dàng nhận biết để phân biệt chính xác cà phê nguyên chất với cà phê độn hay bột của các loại hạt ngũ cốc khác. Như đã nhận định, do hạt cà phê được cấu tạo bởi cấu trúc sợi celluose và chứa rất ít tinh bột, nên thuộc tính đặc biệt của bột cà phê rang là rất tơi xốp, và chứa nhiều khoang không khi bên trong do cấu trúc cao phân tử, các sợi cellulose bị bẻ gảy dưới tác động nhiệt trong quá trình rang …

Khi bạn chế nước sôi 100 độ C vào phin chứa cà phê thật, lập tức bột cà phê sẽ nở phồng lên, sủi bột mạnh, thậm chí tràn ra cả ngoài phin. Nếu sau khi cho vài muỗng bột (khoảng 20-25g) vào phin, bạn chế nước sôi vào mà thấy bột trong phin không nở phồng lên, trái lại còn bẹp xuống , lịm xuống và bốc mùi thơm thì bạn biết chắc chắn trong phin nầy có rất rất ít cà phê. Trái lại, trong loại bột nầy có tỷ lệ phần trăm rất nhiều bột của các loại hạt khác được tẩm hương liệu nhân tạo nồng độ cao.

Bột bắp, bột đậu rang khi gặp nước sôi trở nên dẻo, dính và xẹp xuống do các loại ngũ cốc luôn có chứa nhiều tinh bột. Trái lại cà phê được cấu tạo bởi các hợp chất cao phân tử cellulose, chứa rất ít tinh bột. Quá trình rang hạt cà phê nở lớn, bên trong tạo ra các khoang không khí, gặp nước sôi, không khí bên trong nở lớn, làm sủi bọt bột cà phê và khiến bột cà phê thật trào lên trong phin. Đây là một hiện tượng rất dễ nhận ra.

III. PHÂN BIỆT SAU KHI PHA ( Nhận biết nước của ly cà phê thât)
6. Màu của nước cà phê
 Cà phê là một loại hạt khá kỳ lạ. Dù bạn rang nó đến nhiệt độ cao bao nhiêu, thời gian lâu bao nhiêu, và cháy gần thành than, rồi bạn xay ra bột và pha thành ly cà phê, thì màu nước của nó cũng không hề có màu đen thui, đen đục và đen đậm như thường nhìn thấy các ly cà phê ở phần lớn các quán.

Ly cà phê thật luôn có màu nâu từ cánh gián đến nâu đậm, khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách, một màu nâu rất trong trẻo. Để ra ánh nắng, nhìn ly cà phê đá có màu nâu sáng.

7. Độ sánh của nước cà phê
 Khi pha, nước của ly cà phê thật có độ sánh hầu như không đáng kể. Trái với cà phê độn, nước của bắp và đậu rang vốn chứa nhiều tinh bột nên sẽ rất sánh, sánh đến dẻo quẹo. Các bà nội trợ vẫn hay dùng bột bắp trong nhà bếp vì tính chất này. Một số người tiêu dùng còn tự hào rằng mình là người hiểu biết về cà phê, cho rằng, ly cà phê ngon thì nước trong ly cà phê phải kẹo kẹo, bám trên thành ly và phải “ôm đá” và viên đá trong ly cà phê phải có màu nâu do nước cà phê song sánh, dẻo kẹo bám lấy đá. Nhưng điều đó chính là bằng chứng cho thấy trong ly cà phê ấy chỉ có rất ít cà phê mà toàn đậu nành rang. Đậu nành rang chứa nhiều tinh bột hiển nhiên là rất “ôm đá”. Cà phê thật không sánh dẻo và không “ôm đá”.

8. Mùi thơm của ly cà phê pha 
Cà phê bột lẫn cà phê pha có một mùi thơm rất đặc trưng, rất quyến rũ. Tuy nhiên đây có thể là điểm bạn rất khó phân biệt nhất. Có thể nói bạn chỉ có thể phân biệt được mùi của ly cà phê nguyên chất với mùi của hương liệu hóa học khi bạn đã nhiều lần và thường xuyên uống cà phê nguyên chất. Nhiều loại cà phê bột điều đã được tẩm hương liệu. Hương thơm đích thực và nguyên thủy của cà phê không nồng nực, không thô bạo, không mạnh mẽ, nhưng dịu dàng, lưu luyến, thanh cao, tinh tế và sâu lắng, đôi lúc làm ngây ngất người yêu cà phê… Thật khó diễn tả, nhưng nếu quen với mùi cà phê nguyên chất bạn sẽ phát hiện ra mùi hóa chất tuy giả khá giống mùi cà phê nhưng vẫn là giả tạo, vẫn mang hương vị gay gắt, tuy mạnh mẽ, dai dẵng nhưng thô thiển và gây cảm giác nặng nề, không giống như mùi thanh cao của chính hạt cà phê đích thực…

9. Vị của cà phê: 
Cà phê khi rang với thời gian đủ và đạt đến nhiệt độ thích hợp sẽ cho chúng ta ly cà phê có vị đắng thanh xen lẫn vị chua nhẹ nhàng, rất tinh tế do yếu tố của các thành phần acid ẩn chứa đằng sau của vị đắng trong hạt cà phê. Thật ra, các giống cà phê ngon nhất trên thế giới thuộc dòng Arabica, có giá trị thưởng thức và giá trị thương phẩm hàng đầu đều có hậu vị chua thanh rất quyến rũ hòa quyện tinh tế với vị đắng tự nhiên. Tuy nhiên, do nhận thức không đúng, do truyền thống và do thói quen không thích đáng, phần lớn người Việt không nghĩ rằng cà phê có vị chua. Thậm chí một số không chịu chấp nhận một thuộc tính cố hữu, tuyệt vời của cà phê hảo hạng, đó là vị chua thanh quyến rũ của nó. Để đáp ứng với yêu cầu và thị hiếu về khẩu vị trái ngược lại với thiên nhiên, với tự nhiên nầy của người tiêu dùng, một số nhà sản xuất đã cố gắng làm cho cà phê mất đi vị chua thanh vốn có của nó bằng cách tẩm vào bột cà phê các loại hóa chất tạo đắng có gốc kháng sinh. Hậu quả, ly cà phê thường có vị đắng nhân tạo, tiêu diệt hẳn vị chua thanh quyến rũ của cà phê. Bạn nên tránh xu hướng đi tìm và nghiện vị đắng không tự nhiên đó, vì nó sẽ phá hủy khẩu vị chân chính của bạn về mùi vị đích thực của cà phê. Nhiều người được phục vụ “cà phê đậu nành” nhiều ngày nhiều tháng nên đã quen với vị đậm lè của đậu nành rang, e rằng sẽ chê cà phê nguyên chất không đậm đà. Thật ra, cà phê nguyên chất rất đậm đà hương vị, nhưng do khẩu vị cà phê của chúng ta đã bị phá hủy dữ dội. Chính khẩu vị uống cà phê đậm đặc từ đậu rang của chúng ta cũng đã được huấn luyện và xây dựng từ nhiều chục năm nay. Điều đó cho thấy khẩu vị có thể được điều chỉnh. Nếu hiểu biết các thuộc tính của cà phê, bạn sẽ không khăng khăng đòi ly nước đen thui, đậm lè, đắng ngắt của bột đậu rang cháy khét tẩm đủ mọi loại hương liệu bốc mùi thơm nồng nực. Bạn sẽ tự chọn cho mình khẩu vị đúng.

10. Bọt của cà phê: 
Bản thân nước pha cà phê khi đánh lên với đường cũng tạo ra 1 ít bọt màu nâu sáng trông rất đẹp. Nhưng có 1 số người tiêu dùng ngộ nhận và yêu cầu quá đáng về ly cà phê phải có bọt đẹp. Để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng hầu giữ khách và thu lợi nhuận, một số nhà sản xuất cho chất tẩy rửa bề mặt vào cà phê để tạo bọt. Vậy, bạn cũng cần biết cách phân biệt hai thứ bọt này. Nếu bọt mỏng tanh, có óng ánh màu cầu vồng, đánh lên đầy cả ly và rất lâu tan nhìn ly cà phê có vẻ khá đẹp thì chắc chắn đấy là bọt xà bông. Bọt cà phê tiêu biểu khá đồng đều về kích cỡ, đục hơn và trông “dày” hơn, nhưng mau xẹp xuống.

IV. PHÂN BIỆT CUỐI CÙNG, RẤT THỰC TIỂN, LÀ TRẢI NGHIỆM CỦA CHÍNH BẠN
Cuối cùng, rất thực tiển, là chính bạn, vào 1 ngày đẹp trời nào đó , bạn hãy bỏ chút thì giờ ra tiệm bán cà phê hạt đã rang mua vài lạng cà phê mộc. Khi mua bạn cần xem xét kỹ đó là cà phê hạt rang nguyên chất, mộc mạc, không trộn hạt gì khác và không tẩm các phụ gia nào khác. Mua xong, bạn nhờ xay ra bột. Đem về, sáng hôm sau, bạn tự tay, khoan thai, pha 1 ly cà phê. Pha xong, bạn đến ngồi 1 chỗ tỉnh lặng, bình yên. Trong cái không gian yên lành và tinh anh của buổi sáng, với tâm hồn thanh tịnh, bạn ngồi đó từ từ uống từng ngụm nhỏ cà phê nóng, nguyên chất… Rồi bạn sẽ biết cà phê đích thực là gì…. Đây là cách tốt nhất để mếm biết hương vị tinh khiết của cà phê.

Bạn có phải là người yêu cà phê không? Bạn có thích khám phá sự thật không? Và bạn quan tâm đến việc phân biệt 1 người uống cà phê lành mạnh?

Tác giả : CVCOFFEE 


Ngày thứ 2: Nghệ thuật thưởng thức cà phê và những cách pha cà phê trên thế giới (Phần 1)

Xin chào các bạn, chúng ta lại đến với ngày thứ 2 tiếp theo của chương trình 10 ngày trãi nghiệm đỉnh cao về cách thức rang cà phê nhé. Chủ đề hôm nay chúng tôi xin trình bày nghệ thuật thưởng thức cà phê và các cách pha cà phê trên thế giới (phần 1)

Chi tiết tin

Việc thưởng thức cà phê là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng có thể hiểu hết được. Bạn có biết tại sao người ta thường hiếm khi dùng ống hút để uống cà phê không??? Bởi đơn giản là họ muốn tận hưởng hương thơm ngào ngạt và ngây ngất của cà phê trước khi uống chúng. Bởi thế 2 thành phần quan trọng không thể tách biệt và chủ yếu của cà phê là HƯƠNG và VỊ. Nào hãy cùng chúng tôi tận hưởng ly cà phê bằng tất cả 5 giác quan mà bạn có nhé

Sự kích thích của hạt cà phê rang
1. Kiểm tra thị giác của bạn: hầu như người Việt chúng ta đã quen với việc gọi một ly cà phê mà chẳng cần biết nó từ đâu đến, điều đó thật không hay tý nào phải không ạ. Hãy cùng tưởng tượng nhé: bạn bước vào quán cà phê CVCOFFEE hoặc đâu đó ở nhà bạn chẳng hạn, bạn chuẩn bị những chiếc cốc mà bạn yêu thích, nhìn những hạt cà phê sáng bóng cùng dụng cụ pha chế mà bạn yêu thích, thì yếu tố thưởng thức đã đạt 20% rồi bạn nhé. Còn gì bằng khi tận mắt chứng kiến thành quả của mình đúng không.
Chiếc côc xinh xắn bạn yêu thích

Dụng cụ pha chế yêu thích

2. Hãy cùng xúc giác và thính giác làm việc nhé: Mân mê hạt cà phê trên tay, hãy cảm nhận sự mềm mại và mượt mà của chúng nhé. Đặt vào cối xay, từng tiếng kêu răng rắc và giòn tan khiến ta cảm thấy tươi tỉnh và yêu đời, cảm tưởng như có một sức mạnh nào đó trong ta như đang nghiền nát mọi vật. Cảm giác bẻ gãy, nghiền nát thứ gì đó khiến ta cảm thấy mạnh mẽ hơn.


3. Cà phê sau khi xay, hương thơm tỏa ra ngào ngạt khắp căn phòng nơi bạn pha chế và quyến rũ nhiều hơn so với ban đầu. Chỉ cần đưa lên mũi ngửi thôi thì bạn sẽ phải ngây ngất vời hương thơm ấy. Nếu không kìm lòng bạn sẽ phải muốn đưa vào miệng ngay thôi. Đây chính là giây phút hân hoan của riêng bản thân tôi khi được cham vào cái hương thơm ấy, như cừ thôi thúc mãi không thôi


4. Tùy loại cà phê, mức độ rang khác nhau, thời điểm khác nhau và sở thích: Hãy chọn cho mình phương thức pha khác nhau để tạo nên hương vị mà bạn yêu thích. Cái hương thơm giờ đây khi hòa tan với nước cũng rất khác so với ban đầu. Vị của cà phê đa dạng là thế, nó không chỉ có vị đắng chát mà có cả vị chua thanh sâu lắng, vị ngọt dịu nhẹ khó quên, vị dịu nhẹ bình yên. Tất cả bạn có thể hình dung ra khi chạm vào tách cà phê của mình.


Cà phê không chỉ đơn thuần là cà phê, người ta đến với cà phê còn nhiều yếu tố khác nữa. Có người uống cà phê để giết thời gian, có người uống cà phê để tranh thủ thời gian. Và cà phê luôn là cái cớ... Bởi vì cuộc sống cũng giống như cà phê vậy! Có lúc thăng lúc trầm có lúc vui vẻ, có lúc âu lo, có khi đắng chát có khi ngọt dịu. Và cách thưởng thức cà phê cũng là cách bạn thưởng thức cuộc sống vậy. Vậy làm sao để có thể thưởng thức sự đa sắc màu của cà phê? CVCOFFEE chúng tôi sẽ góp phần làm rõ cho bạn định hình về các cách pha cà phê trên Thế Giới để bạn có thể lựa chọn tách cà phê cho riêng mình. Bởi mỗi một phương pháp pha khác nhau sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm khác nhau về ngũ quan đặc biệt là phong vị của từng loại cà phê ứng với từng cách pha khác nhau

Còn tiếp
                                                                               Tác giả: CVCOFFEE










Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Thời điểm vàng để thưởng thức cà phê

4 “thời điểm vàng” để thưởng thức cà phê
Cà phê vào buổi sáng 
Cà phê có thể cải thiện táo bón. Để công năng này hiệu quả thì một ly cà phê vào buổi sáng là tốt nhất. Thời gian uống còn lại trong ngày sẽ ít ảnh hưởng hơn.
30 phút sau khi ăn
Cà phê có thể thúc đẩy tiêu hóa. 30 phút sau bữa ăn là thời điểm thích hợp để bạn thưởng thức một ly cà phê và tận hưởng lợi ích này. Tuy nhiên, vì cà phê ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt của cơ thể nên những người thiếu máu cần tránh thức uống này.
Một tách cà phê trước khi tập thể dục
Uống một tách cà phê 30 phút trước khi tập thể dục có thể tăng cường quá trình trao đổi chất, giúp đốt cháy nhiều calo hơn, và làm cho hiệu quả tập luyện các môn thể thao có ý nghĩa hơn. Nếu bạn là một vận động viên bạn sẽ nhận thấy thời gian uống này tốt như thế nào.
Khi mệt mỏi, uống cà phê

Cà phê giúp bạn tỉnh táo, điều này là hiển nhiên. Một tách cà phê khi mệt mỏi có thể giúp bạn duy trì 4 giờ tỉnh táo. Tuy nhiên, với người uống cà phê lâu dài thì hiệu quả này không lớn.


Giới hạn của việc uống cà phê
Cà phê cũng như các thức uống hay thực phẩm bất kỳ có thể mang lại lợi ích cho con người, nhưng phải có giới hạn. Một số người vẫn uống cà phê mỗi ngày, một số người thậm chí uống mọi lúc, mọi nơi.
Các bác sỹ khuyến nghị bạn nên uống 1-2 ly cà phê một ngày, tối đa là 4 ly (tổng số caffeine là khoảng 150 đến 250mg) là vừa phải. Nhiều hơn 4 ly có thể khiến bạn phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng lượng caffeine trong một ngày lớn hơn 1g (tương đương 8-12 ly cà phê), nó sẽ dẫn đến ngộ độc, kết quả là gây ra tình trạng hồi hộp nôn mửa, ngất xỉu. Uống hơn 10 gram trong một ngày sẽ có nguy cơ tử vong!
Đừng nghĩ rằng người trung bình một ngày tiêu thụ đến 1g cà phê là rất khó, bởi vì chất caffeine không chỉ có trong cà phê, mà ngay cả đồ uống cola, trà, hoặc một số thức uống khác. Vì vậy, bạn nên biết rõ để kiểm soát lượng caffeine vào cơ thể tốt hơn.


Nguồn gốc Robusta Việt Nam

Việt Nam là đất nước xuất khẩu Robusta hàng đầu Thế Giới nhưng ít ai biết được nguồn gốc Robusta có từ đâu? Và có rất nhiều câu trả lời trên diễn đàn, hôm nay cvcoffee chúng tôi xin tổng hợp lại để các bạn có cái nhìn tổng quát hơn.

Chi tiết tin
Nguồn gốc Robusta Việt Nam


Robusta (còn có tên khác là C.Canephora) có nguồn gốc ở Tây Phi, đến từ Belgian Congo, sau đó được người Hà Lan mang qua vùng Java - Indonesia trồng và phát triển vào năm 1876 thay cho Arabica Typica hay bị bệnh rụng lá và năng suất kém. Nhưng trước khi thay bằng giống Robusta họ đã trồng cây cà phê mít (C.Liberica) nhưng vì hương vị không ngon nên họ thay bằng Robusta.


Còn ở VN cây cà phê đầu tiên được trồng là Arabica Typica và được phát triển chủ yếu ở vườn ươm của Nhà Thờ vào năm 1865, nhằm nghiên cứu khí hậu và thổ nhưỡng có phù hợp hay không. Vào đầu năm 1900 cây Typica được trồng ở 1 số tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Lạng Sơn và Ninh Bình. Nhưng giống này dễ bị bệnh Gỉ Sắt nên đã được thay thế bằng hạt Robusta mang từ Java qua (vì được thuần hóa ở khí hậu Nhiệt Đới gió mùa).

Thực dân Pháp Thành lập Công ty Đồn điền Đất Đỏ (Société des Plantation des Terres Rouge) vào năm 1910. Trụ sở đặt tại Sài Gòn. Đối tượng hoạt động: Trồng và khai thác bông, cao su, cà phê, khai thác các đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa; ngoài ra còn khai thác cả các đồn điền cao su, cà phê ở Java. Và cây cà phê Robusta được trồng và phát triển trước ở các vùng Đông Nam Bộ như Bà Rịa – Đồng Nai – Bình Phước. Năm 1924 mới bắt đầu hoạt động ở vùng Cao nguyên Trung Kỳ gồm các tỉnh Kontum, Pleiku, Darlac và Đồng Nai Thượng với độ cao thích hợp hơn (trên 600m) nên cho chất lượng và sản lượng tốt hơn.

Ngày thứ nhất: Cà phê ngon và cùng nhau đi tìm hương vị bạn mong muốn

Bạn có biết tại sao cà phê được mệnh danh là hạt ngọc đen hay là thức uống tốt nhất hành tinh không??? Và nếu chỉ biết làm những ly cà phê đắng ngắt và đen thui thì liệu định nghĩa về cà phê như trên có còn đúng. Riêng ở Việt Nam, những nhà rang xay thường lấy nhu cầu của khách hàng làm trọng tâm do đó chúng tôi tin chắc rằng bạn sẽ không bao giờ được trải nghiệm nhiều hương vị và màu sắc khác nhau của ly cà phê. Thay vào đó chúng tôi không chỉ thỏa mãn nhu cầu hiện tại của khách hàng mà hướng khách hàng đến vị trí cao hơn của nghệ thuật thưởng thức cà phê với từng sắc thái khác trong trong từng không gian và mọi khoảnh khắc của cuộc sống.

Chi tiết tin
Điều đó không ngoa chút nào khi chúng ta tìm hiểu những hợp chất có trong cà phê. Ngoài những lợi ích cho sức khỏe người dùng nó mang đến cho chúng ta sự phong phú và đa dạng của hương vị trong văn hóa ẩm thực.
Chúng tôi hết sức mong muốn các bạn bỏ qua ý kiến chủ quan của mình trong việc đánh giá một điều gì đó. Cái Tôi, lòng tự hào cá nhân, sở thích đó là những cảm xúc không đáng có khi ta đánh giá khách quan một vấn đề.

Với Cà phê chúng được đánh giá bởi 2 tiêu chí quan trọng đó là Hương và Vị và được quyết định bởi các yếu tố sau:
_ Giống cà phê (Arabica, Exelsa, Robusta)
_ Chế độ chăm sóc (Phân bón, Hữu cơ, bán hữu cơ hoặc hóa học)
_ Nơi trồng (Lượng mưa, độ cao, nhiệt độ, ánh sáng, thổ nhưỡng)
_ Phương pháp sơ chế (Thủ công hay sấy công nghiệp, chế biến ướt, phơi trái Tự Nhiên hay bán ướt)
_ Cách thức và cấp độ rang (Rang thủ công hay rang máy, thời gian rang,  cấp độ rang Cinamon, City, Full City, City Plus hay French Dark)
_ Cách thức pha chế: Pha phin, pha giấy lọc, pha máy, pha Espresso hay kiểu Thổ Nhĩ Kì ..vv

1. Hương
Theo nghiên cứu trên thế giới có đến hơn 800 thành tố tạo nên hương cà phê. Nó được tạo bởi các Amino Acid, Đường, Carbohydrate, Acid Hữu Cơ và Phenol. Theo Clarke, có đến hơn 50 hợp chất aliphatic bao gồm 56 hợp chất carbonyl và 9 hợp chất chứa lưu huỳnh; 20 hợp chất alicyclic, bao gồm 10 ketones; 60 hợp chất vòng thơm benzene và trong đó có 16 hợp chất phenols; 300 hợp chất heterocyclic, gồm có 74 furans, 10 hydrofurans, 37 pyrroles, 9 pyridines, 2 quinolines, 70 pyrazines, 10 quinoxalines, 3 indoles, 23 thiophens, 3 thiophenones, 28 thiazoles, and 28 oxazoles.
Đó là định nghĩa khoa học, nhưng trong ẩm thực nó được gom lại thành 9 nhóm hương sau:

Nhóm 1: Mùi Trái Cây: mùi cam quít, berry
Nhóm 2: Mùi Sô cô la: mùi sô cô la đen, mùi vanilla
Nhóm 3: Mùi Gia Vị : rau mùi, rau ngò
Nhóm 4: Mùi Hoa Cỏ: hoa nhài, quế
Nhóm 5: Mùi Hạt: như mùi hạnh nhân, đậu phụng, mùi mạch nha
Nhóm 6: Mùi Caramen:  đường cháy, mật ong,
Nhóm 7: Mùi Hóa Chất: Long não, thuốc tây.
Nhóm 8: Mùi Carbon: khói, gỗ cháy.
Nhóm 9: Mùi Thảo Mộc: Hành, tỏi.

2. Vị
Cà phê có 4 vị sau:

Vị Chua: Cà phê theo dấu chân của người Pháp du nhập vào Việt Nam nên hầu như cách thưởng thức cà phê của chúng ta cũng theo phong cách người Pháp nghĩa là rang rất đậm do đó hầu như hàm lượng acid bị chuyển sang quinic nên chúng ta chỉ còn cảm nhận vị đắng mà thôi. Và do đó sẽ rất ngạc với nhiều người trong chúng ta khi biết rằng hạt cà phê rất chua, vị chua ấy là do lượng acid hữu cơ có trong hạt cà phê như citric, malic, lactic, pyruvic và acetic acid và ngoài ra cũng ảnh hưởng rất lớn do sự lên men trong quá trình chế biến hạt cà phê.

Nhưng thật ra khi đã quen với vị chua chì chúng ta sẽ cảm nhận vị chua ấy rất tinh tinh tế và tự nhiên, nó tạo cảm giác thanh sạch và mát mẻ. Thông thường cà phê Nam Mỹ và Đông Phi có vị chua rất hấp dẫn và là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá chất lượng cà phê. Vị chua cà phê nằm ở mức độ vừa phải, nếu quá chua sẽ làm cho cảm nhận cà phê không còn ngon nữa. Độ chua của cà phê liên quan chặt chẽ đến giống loài chẳng hạn như Arabica sẽ chua hơn Exelsa và chua hơn Robusta, nó cũng ảnh hưởng bởi độ cao và vùng đất trồng và ngoài ra việc sơ chế cà phê ảnh hưởng rất nhiều đến vị chua của cà phê chẳng hạn như qui trình chế biến full wash sẽ chua hơn qui trình semi wash và chua hơn  qui trình phơi quả khô. Hơn nữa độ chua cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi cấp độ rang và kiểu rang và phương cách pha chế.

Một trong những acid đóng vai trò quan trọng đó là nhóm Chlorogenic acid, nhóm acid này có khả năng chống oxy hóa cao và làm chậm quá trình giải phóng đường vào mạch máu sau khi ăn. Do đó có tác dụng giảm cân và phòng chống bệnh tiểu đường. Nhưng lưu ý chỉ ở câp độ rang nhạt thì cà phê mới còn lại lượng acid này và nó chiếm đến hơn 7% trọng lượng khô ở hạt cà phê Arabica. Do đó, thay vì phải uống những loại thực phẩm chức năng có chứ CGA này thì bạn nên uống những loại cà phê rang nhạt như Hera coffee, Artemis Coffee hoặc Eros Coffee, và nếu cơ thể bạn nhạy cảm với cafein thì bạn có thể dùng Aura Coffee, một loại cà phê đã được khử cafein cho người bệnh tim mạch hay mẫn cảm với cafein. Lại được cả 2 vừa thưởng thức một thức uống ngon của cuộc sống lại có thêm khả năng như loại thần dược trong việc giảm cân.

Ngoài ra độ chua cà phê cũng bị ảnh hưởng bởi độ mịn cà phê khi xay, càng nhuyễn càng hòa tan nhiều acid, nhiệt độ nước ở mức 94°C thì lượng acid ra nhiều nhất, và thời gian càng lâu càng ít chua do bị trung hòa bởi chất kiềm có trong cà phê.

Vị Ngọt: Là do lượng đường fructose và glucose có trong hạt cà phê, và vì thế ta sẽ khó cảm nhận vị ngọt tức thì ngay đầu lưỡi mà thay vào đó vị ngọt dịu nhẹ đọng nơi cuống họng sau khi uống giúp ta cảm thấy quân bình được vị đắng và chua của cà phê. Vị ngọt của cà phê càng tăng lên theo cấp độ rang khi hàm lượng đường được caramen hóa và đạt đỉnh ở cấp độ Full City đến Full City Plus và giảm lại khi cà phê càng rang cực đậm, lúc này lượng đường sẽ bị cháy và có mùi khét. Do đó vấn đề là làm sao cà phê sau khi rang vẫn đảm bảo được hương vị và không bị cháy khét.

Vị mặn: Chủ yếu là do hàm lượng muối khoáng trong hạt cà phê nằm ở dạng muối vô cơ tự do như NaCl, KCl. Vị mặn thường là vị không được mong muốn trong cà phê vì nó sẽ làm giảm vị đắng và gây ra vị gắt trong cuống họng sau khi uống.  Nhưng trên thực tế sẽ có một số người sẽ cho ít muối vào khi họ pha chế. Chúng tôi không cổ súy cho bất kì quan điểm nào, bạn có thể cho và không cho là tùy vào khẩu vị và sự cảm nhận của bạn. Còn với chúng tôi, chúng tôi sẽ giữ nguyên bản chất vốn có của hạt cà phê mà thôi.

Vị Đắng: Sẽ là gì nếu cà phê không còn vị đắng. Đó là vị đặc trưng của cà phê, nhưng vị đắng ngon là do những hợp chất hữu cơ tạo ra (chủ yếu là mạch vòng Polyphenol, Quinic acid và Hydrocolloids) chứ không phải là do sự cháy khét của vấn đề rang gây ra. Vấn đề pha chế cũng gây ra vị đắng trong cà phê, đó là sự hòa tan của chất kiềm và tổng lượng chất hòa tan trong ly cà phê. Theo McCamey thì vị đắng cà phê ảnh hưởng bởi cấp độ rang cà phê, thời gian pha chế (càng lâu càng đắng) hàm lượng khoáng chất trong cà phê, nhiệt độ nước pha chế và kích thước cà phê nghiền, và thậm chí ly cà phê nguội sẽ đắng hơn ly cà phê nóng, bổ sung thêm đường, muối và hàm lượng acid sẽ giảm vị đắng trong cà phê.  Ngoài ra vị đắng ảnh hưởng bởi hàm lượng cafein và acid chlorogenic acid đó là lý do tại sao cà phê Robusta đắng và gắt hơn cà phê Arabica. Tuy nhiên phương pháp sơ chế không ảnh hưởng đến vị đắng cà phê mặc dù rất ảnh hưởng đến vị khác và hương thơm.


Cũng có thể ví von rằng hồng nào hồng chẳng có gai, mà cà phê nào lại chẳng đắng

Vậy là chúng ta đã biết trong ly cà phê gồm những gì rồi phải không. Tuy nhiên để đánh giá một ly cà phê hoàn chỉnh bạn cần thêm 5 yếu tố nữa: 

Thể chất (Body): Được định nghĩa như là độ đậm đặc của cà phê và cảm giác sánh đặc trong miệng được diễn tả từ mỏng đến dày. Một cảm giác rất rõ ràng giúp ta nhận biết tổng thể về chất lượng cà phê. Thể chất được tạo bởi chất béo trong hạt cà phê và hàm lượng amino acid, chất xơ hòa tan và các chất hòa tan khác. Thể chất dày dường như liên quan mật thiết đến hậu vị.

Hậu vị (After taste): Là dư vị lắng đọng sau khi đã uống, tạo cảm giác lưu luyến. Cà phê ngon là cà phê để lại dư vị lâu sau khi uống. Được ví như uống ít mà được nhiều.

Dịu nhẹ (Smooth): Sự mềm mại, dịu dàng, không gắt, tạo cảm giác dễ chịu và sạch miệng.

Hương thơm (Fragrant): Tổng quan mùi hương của cà phê khi chưa  pha chế

Cân bằng (Balance): Là sự  hài hòa của các vị chẳng hạn như quá chua nhưng nhìn chung vẫn tạo ra 1 ly cà phê ngon, hấp dẫn.
Thang điểm tổng càng cao chứng tỏ cà phê càng có giá trị. Tuy nhiên, cũng có một số hạt cà phê nổi trội về mặt này nhưng lại thấp điểm về mặt khác điều đó cũng không quan trọng, vì cái chính là người phối chế sẽ biết lấy điều gì từ hạt cà phê ấy và phối trộn với loại hạt khác để cho ra một hương vị khác hài hòa hơn. Cũng như không có phụ nữ xấu chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp mà thôi.

Thực sự không có một ly cà phê nào ngon cho chất cả mọi người vì mỗi người mỗi cảm nhận, sở thích, khẩu vị khác nhau, thời điểm và không gian khác nhau sẽ tạo nên cảm nhận khác nhau. Nhưng chung qui lại phải có quy chuẩn nhất định: không có mùi lạ, mùi mốc, mùi men thối, không có mùi ngai ngái của trái xanh, không có mùi khét do rang quá cháy.

Tổng thể phải hài hòa, có dư vị lâu, thể chất dày, cảm nhận trong miệng đặc sánh, dịu nhẹ, không có dư vị gắt, thô ráp, cảm giác sạch miệng, hương thơm tự nhiên mạnh, và đặc biệt là sự hòa quyện giữ vị đắng, ngọt, chua và béo.'

Với những trình bày trên chúng tôi hy vọng bạn đã thấu hiểu được bản chất của hạt cà phê. Phần còn lại bạn hãy tìm cho mình hương vị mong muốn. Hãy nói với chúng tôi: bạn muốn đắng đậm, dịu nhẹ, chua thanh hay ngọt ngào. Chúng tôi sẽ giúp bạn tìm ra hương vị đó.

Hẹn gặp lại các bạn trong bài tiếp theo



Tác Giả: CVCOFFEE

Khi bí kíp rang cà phê không còn là bí mật !!!

Ở thế giới hiện đai như ngày nay, mọi bức màn bí ẩn được như vén lên, mọi thứ đều khiến ta có thể dễ dàng nhìn thấy bởi Internet. Và việc rang cà phê cũng không ngoại trừ qui luật ấy. Dạo quanh các trang web của nước ngoài, các bạn có thể nhìn thấy hàng ngàn website hoặc clip hướng dẫn bạn rang cà phê ở nhiều mức độ khác nhau từ cơ bản đến nâng cao. Nhưng ở Việt Nam điều đó thật hiếm thấy vì đa số các nhà rang xay cà phê không muốn tiết lộ bí mật kinh doanh của họ hoặc họ chẳng có Bí Mật nào hết mà nếu tiết lộ thì chẳng còn ai dám uống cà phê của mình. Vậy thì khi nào chúng ta chúng ta mới tiến gần đến trình độ phát triển của thế giới trong khi kiến thức và sự hiểu biết chúng ta chỉ biết cất giữ cho riêng mình.

Chi tiết tin
Hỡi những ai đã đang và sẽ là tín đồ của cà phê chúng ta sẽ cùng cvcoffee đi qua 10 ngày trãi nghiệm đỉnh cao về cách thức rang cà phê nhé

Nhưng trước tiên hãy tự trả lời tại sao bạn cần phải biết rang cà phê: phải chăng bạn đang đi tìm những sự trãi nghiệm mới, bạn quyết tìm hiểu xem tại sao cà phê lại làm cho người ta MÊ đến vậy, hay bạn muốn chính tay mình rang mẻ cà phê để tặng Nhạc Phụ tương lai hoặc cũng có thể bạn chẳng còn tin những nhà rang xay nhan nhãn ngoài thị trường kia, hay bạn quyết dấn thân vào con đường kinh doanh cà phê. Và cho dù đâu là ý muốn của bạn đi chăng nữa thì chúng tôi hiểu rằng bạn đang rất can đảm đi tìm một Giá Trị Thật và chúng tôi sẽ ủng hộ và giúp bạn thực hiện công việc ấy một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. Nếu bạn có niềm đam mê và quyết tâm hãy cùng chúng tôi trong 10 ngày tiếp theo nhé

Chúng tôi sẽ bố trí bài học theo phương pháp đảo ngược để các bạn có quyết định xem mình sẽ theo đuổi việc này đến bao lâu. Chúc bạn sẽ kiên trì đến ngày thứ 10

Ngày thứ 1: Tìm hiểu thế nào là cà phê ngon. Những vị đặc trưng của cà phê và cùng đi tìm hương vị mong muốn của bạn.

Ngày thứ 2: Các cách pha cà phê trên thế giới và nghệ thuật thưởng thức cà phê bằng 5 giác quan. ( chỉ có ở cvcoffee )

Ngày thứ 3: Sơ lược cà phê thế giới và những hạt cà phê bạn có thể tìm thấy ở Việt Nam.

Ngày thứ 4: Các qui trình chế biến cà phê nhân sống. Lựa chọn cà phê nhân của riêng bạn để bắt đầu tạo sự khác biệt.

Ngày thứ 5: Tìm hiểu các loại máy rang cà phê

Ngày thứ 6: Các mức độ rang cà phê và hương vị đặc trưng

Ngày thứ 7: Kỹ thuật rang cà phê và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng mẻ rang.

Ngày thứ 8: Phương pháp thử nếm và đánh giá mẻ rang.

Ngày thứ 9: Hoàn tất sản phẩm cuối, phối trộn hay single.

Ngày thứ 10: Bảo quản cà phê đúng cách


                                                                             Tác giả: cvcoffee